Bài viết

goitudong.vn
  • phucnd
  • 29/04/2022

Góc chia sẻ: Một số thủ đoạn chiếm quyền kiểm soát SIM điện thoại

Như các phương tiện truyền thông đã đưa tin, hiện nay hình thức lừa đảo chiếm đoạt quyền kiểm soát SIM để lấy cắp tiền trong tài khoản ngân hàng, các ví điện tử,... ngày càng nhiều. Vậy làm cách nào để có thể bảo vệ SIM của bạn? Cũng như bảo vệ các thông tin bảo mật khác. Vui lòng xem chi tiết bên dưới.

Các thủ đoạn mà đối tượng lừa đảo hay áp dụng

1. Yêu cầu nhắn tin với cú pháp **21*#: Đây là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại khác nội mạng hoặc ngoại mạng (Call Forward - dịch vụ của các nhà mạng như Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile). 

Khi thao tác thành công, đối tượng sẽ thao tác đăng nhập ứng dụng ví Momo (hoặc các ví điện tử, dịch vụ khác sử dụng cơ chế gọi điện để lấy mã OTP) của nạn nhân từ xa. Tổng đài Momo sẽ gọi để cung cấp mã OTP, tuy nhiên cuộc gọi này sẽ được chuyển hướng đến số điện thoại của đối tượng lừa đảo. Từ đó, đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền trong ví điện tử, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử này.

2. Yêu cầu nhắn tin với cú pháp DS gửi 901: Đây là cú pháp chuyển đổi eSIM (phôi SIM khách hàng đang sở hữu trở thành SIM trắng). Các đối tượng thường lừa đảo rằng giúp người dùng nâng cấp sim điện thoại thành SIM 4G, 5G để yêu cầu người dùng nhắn tin theo cú pháp trên.

Khi thao tác thành công, người dùng sẽ mất quyền kiểm soát SIM vì SIM của đối tượng lừa đảo trở thành SIM "chính chủ" và chúng sẽ truy cập vào ứng dụng ví điện tử, ứng dụng thanh toán online để chiếm đoạt tiền.

Vậy để bảo vệ tài sản, các bạn cần làm gì?

✔️ Nên:

- Cảnh giác với cuộc gọi, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng, nhà mạng hướng dẫn các dịch vụ không rõ ràng và yêu cầu phải nhắn tin theo cú pháp, chuyển khoản, thu phí, yêu cầu cung cấp OTP,... Xác minh với ngân hàng, công ty viễn thông (nếu có nghi ngờ) trước khi sử dụng các dịch vụ được giới thiệu.
- Tuyệt đối bảo mật thông tin thẻ, tài khoản, thông tin cá nhân trong quá trình sử dụng dịch vụ.
- Cẩn trọng khi nhập thông tin thanh toán dịch vụ trực tuyến trên các trang bán hàng điện tử (ví dụ: như mua vé máy bay/đặt phòng khách sạn/mua đồ trực tuyến,...).

Không nên:

- Nhắn tin theo cú pháp lạ hoặc truy cập đường link có các dấu hiệu nghi ngờ.
- Cung cấp thông tin bảo mật như: giấy tờ tùy thân, mã OTP (từ ngân hàng, ví điện tử, nhà mạng di động,...), thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng và mã CVV/CVC, mã PIN,... cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào.
- Lưu thông tin tài khoản, mật khẩu trên website, icloud,... Không click lựa chọn “Lưu thông tin mật khẩu” hoặc “Lưu thông tin cá nhân” và không nên để chế độ nhớ tên đăng nhập, thông tin thẻ trên thiết bị máy tính, điện thoại, icloud,... để phòng trường hợp bị kẻ gian đánh cắp, chiếm đoạt tài sản.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ lừa đảo, các bạn nên làm gì?

- Liên hệ ngay nhà mạng để khóa số điện thoại (bao gồm khóa tin nhắn, các cuộc gọi đến số điện thoại).
- Khóa tính năng thanh toán trực tuyến, khóa thẻ tín dụng đang bị kẻ gian tìm cách lấy cắp thông tin.
- Liên hệ tổng đài hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng, ví điện tử,... mà bạn đăng ký dùng số điện thoại bị chiếm đoạt.
- Ngoài ra, bạn nên trình báo tới Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc theo hướng dẫn tại chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (website: bocongan.gov.vn hoặc mps.gov.vn).

Hi vọng các bạn thấy hữu ích với thông tin chúng tôi vừa chia sẻ!

 

***Tư vấn và hỗ trợ cài đặt: Gọi hotline: 0798 110 885 hoặc gửi email đến: [email protected]

Thông Tin Liên Hệ

Phone

0798 110 885

Address

Tầng 23, Tòa nhà T608, Đường Tôn Quang Phiệt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội